Trận đánh Trận_Spicheren

Bản đồ trận Spicheren.

Đầu ngày 6 tháng 8, trong khi chủ lực Tập đoàn quân số 1 và 2 còn đang di chuyển chồng chéo ở phía sau, Trung tướng Georg von Kameke dẫn Sư đoàn Bộ binh 14 (Quân đoàn VII) – đơn vị tiên phong của Tập đoàn quân số 1 – vượt sông Saar vào Saarbrücken. Trước đó Kameke đã được sư đoàn kỵ binh Rheinbaben thông báo về cuộc triệt thoái của quân Pháp khỏi Saarbrücken, nên sau khi tiếp cận với các cao điểm Spicheren, ông tưởng rằng mình đang đối mặt với "hậu quân" của một lực lượng địch đang tháo chạy. Ông liền gửi thỉnh cầu xin Tư lệnh Quân đoàn VII - Thượng tướng Bộ binh 70 tuổi Heinrich von Zastrow cho ông tấn công đội "hậu quân" này. Được Zastrow cho phép "hành động theo điều anh nghĩ là tốt nhất", Kameke ngay lập tức chuẩn bị huy động 6 tiểu đoàn của Lữ đoàn 27 (Trung đoàn Hỏa mai 39 Hạ Rhein và Trung đoàn Bộ binh 74 Hannover) dưới quyền Thiếu tướng Bruno von François tấn công.[1][5][7]

Sau một cuộc pháo kích nhỏ vào buổi sáng nhằm dọn đường cho bộ binh tấn công, lúc giữa ngày, lữ đoàn François bắt đầu tiến công ào ạt theo 3 mũi trên một diện rộng 5 km: 2 tiểu đoàn bên phải đánh sườn trái quân Pháp tại thung lũng Stiring, 2 tiểu đoàn bên trái đánh sườn phải quân Pháp tại rừng Giferts và 2 tiểu đoàn trung tâm do François trực tiếp chỉ huy đánh thẳng lên Đồi Đỏ.[1][7]

Các đợt tấn công ban đầu của quân Đức

Trung tướng Georg von Kameke, sau này là Bộ trưởng Chiến tranh Phổ.

Trong khi các đại đội hàng dọc của Lữ đoàn 27 đang tiến về phía trước, họ vấp phải làn hỏa lực pháo binh mạnh mẽ mà một "đội hậu quân" không thể có được. Nhờ đội hình mở của mình, quân Đức đã vượt qua được màn đạn pháo trên khoảng đất trống trước các cao điểm Spicheren mà không bị thiệt hại đáng kể. Hai tiểu đoàn Đức ở cánh trái quét sạch các toán tản binh Pháp và tràn vào rừng Giferts, song nhanh chóng làm mồi cho làn mưa đạn ồ ạt của bộ binh và các khẩu đội mitrailleuse của sư đoàn Laveaucoupet. Các toán bộ binh Pháp đã núp sau các lùm cây và bắn quỵ hàng tá quân Đức bằng loại súng trường tối tân Chassepot của mình. Tình hình cánh phải cũng bất lợi không kém: hai tiểu đoàn Hannover chiếm được các khu rừng nằm dọc theo tuyến đường sắt Forbach, song bị hỏa lực Chassepot của sư đoàn Vergé chặn đứng trước Stiring-Wendel với thiệt hại đến hàng trăm người. Trong khi đó, François đôn đốc Tiểu đoàn Hỏa mai của Trung đoàn 74 và 3 đại đội của Trung đoàn 39 đánh đến đáy Đồi Đỏ và chiếm được một vị trí giữa các khe đồi, nhưng cũng bị hỏa lực đại bác và súng trường của Pháp từ trên sườn dốc cản lại. Khoảng 13h, cuộc tấn công của Lữ đoàn 27 coi như đã bị bẻ gãy. Bị hao tổn nặng nề, lữ đoàn phải bám trụ vào các vị trí đứng chân của mình để ẩn tránh hỏa lực quân Pháp và chờ thời cơ.[1][4][9]

May mắn cho François, lực lượng pháo binh hùng hậu của Sư đoàn Bộ binh 14 giờ đây đã quy tụ về trận địa với số lượng lớn và cứu Lữ đoàn 27 khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Những khẩu đại bác hiệu Krupp đầy uy lực của tướng Kameke liên tục cày phá các chiến hào và thổi bay mọi đợt phản công của quân Pháp, gây thương vong hàng loạt cho đối phương. Một số đội hình pháo binh linh hoạt của Pháp đã dời xuống cao điểm nhằm thu ngắn tầm đạn của mình đồng thời khống chế ưu thế của đại bác Krupp, song bị các khẩu đội pháo binh Đức bắn trả liên tục và làm câm họng.[1]

Thiếu tướng François thúc quân tiến chiếm Đồi Đỏ.

Đến giữa chiều, Kameke điều Lữ đoàn 28 do Thiếu tướng Wilhelm von Woyna chỉ huy vào tăng viện cho các tàn binh của Trung đoàn 74 trước Stiring-Wendel. Khoảng 15h30, sau khi đã dốc cả sư đoàn của mình vào cuộc và được biết các đơn vị Tập đoàn quân số 1 và 2 đang kéo về trận địa, Kameke phát lệnh cho François đem Tiểu đoàn Hỏa mai của Trung đoàn 74 và 3 đại đội của Trung đoàn 39 tấn công trực diện lên đồi Đỏ. Trước sự bất ngờ của quân sơn chiến Pháp, người của François hăng hái trèo lên vách đá và quét tan quân Pháp ra khỏi các chiến hào tiền tiêu. Thừa thắng, Đại đội 9 (Trung đoàn 39) khẩn trương truy sát đối phương. Lính sơn chiến Pháp chạy về tuyến thứ hai và bắn trả hết sức dữ dội. Chỉ trong vòng vài phút, François, khi đang xung phong cùng với Đại đội 9, đã bị trúng 5 phát đạn và tử trận. Cuộc tấn công của quân Đức một lần nữa bị chặn đứng với thiệt hại nặng nề. Các đơn vị Đức bám chặt vào các chiến hào tiền tiêu mà họ đã chiếm được trên đỉnh và, nhờ sự yểm trợ đắc lực của pháo binh, họ cản được các đợt phản công dồn dập của Pháp nhằm hất họ xuống đồi.[7][8][9]

Có lúc tướng Kameke còn xua một trung đoàn khinh kỵ binh đánh lên đồi Đỏ, nhưng cũng bị đẩy lui với tổn thất lớn.[8]

Trong khi Frossard đã hành động khá chậm chạp để đối phó với các đợt tấn công của Kameke, các thuộc cấp của ông lại tỏ ra quá năng động. Không chỉ Vergé và Laveaucoupet nhanh chóng tiếp viện cho quân tiền phương của mình, ngay đến Bataille cũng chia sư đoàn trừ bị của mình làm đôi để tăng viện các đơn vị tiền phương mà không chờ lệnh cấp trên. Quyết định này đã lấy mất của Frossard những đơn vị trừ bị mà ông có thể dùng để tung một đòn đánh chiến lược. Dù gì, sau 15h30, sư đoàn Kameke đã trở nên dàn trải một cách nguy hiểm. Nhận thấy Lữ đoàn 27 Phổ bị kiệt sức, tướng Laveaucoupet điều Trung đoàn 40 phản công vào rừng Gifert buộc hai tiểu đoàn cánh trái của Đức phải rút khỏi đây chỉ sau một trận chiến đấu ngắn ngủi. Tuy nhiên, quân Pháp khai thác thắng lợi của mình và ở lại trận địa để chờ đợi nước đi tiếp theo của đối phương.[7]

Các đội viện binh Đức vào trận

Đài tưởng niệm Trung đoàn Phóng lựu 12 "Thân vương Karl của Phổ", Sư đoàn 5 Phổ tại Spicheren.

Sau khi nhận được tin từ các đội kỵ binh tuần tiễu về cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Saarbrücken, cả Steinmetz và Friedrich Karl đều hạ lệnh tổng tiến công qua Saarbrücken vào buổi sáng. Song tiếng đạn pháo từ Spicheren đã thu hút các sư đoàn quân Đức về trận địa từ trước khi họ chính thức nhận lệnh tiến quân. Zastrow đã điều Sư đoàn 13 dưới quyền Trung tướng Adolf von Glümer vượt sông Saar tại Völklingen để thực hiện cuộc hành quân bọc sườn trái và hậu quân Pháp tại Forbach. Sư đoàn 16 (Trung tướng Albert von Barnekow), đơn vị đi đầu của Quân đoàn VIII đã kéo vào trận tuyến trong buổi chiều và tư lệnh quân đoàn này là Thượng tướng Bộ binh August von Goeben thay thế Kameke chỉ huy trận chiến.[7] Ngoài ra, Zastrow cuối cùng cũng tiếp cận trận địa và Goeben đã nhượng lại quyền chỉ huy trận đánh cho viên tướng cao niên này.[10]

Trong khi Sư đoàn 16 đang đổ về Saarbrücken từ mạn bắc, Sư đoàn 5 (Trung tướng Ferdinand von Stülpnagel) thuộc Quân đoàn III Brandenburg – đơn vị đi đầu của Tập đoàn quân số 2 – do Trung tướng Constantin von Alvensleben chỉ huy cũng đổ về từ hướng đông bắc. Dù cả Zastrow và Goeben đều trên quân hàm Alvensleben, Zastrow vì biết mình kém tài hơn nên đã viện cớ không còn quân trừ bị để đặt quyền điều khiển tác chiến vào tay vị tướng năng động này. Từ đây cho đến tối, quân Đức dưới sự yểm trợ của pháo binh đã mở hàng loạt cuộc tấn công quyết liệt vào trận tuyến quân Pháp.[1][9]

Rừng Giferts và đồi Đỏ

Thoạt tiên, tướng von Alvensleben sai von Stülpnagel điều quân xung kích vào rừng Giferts. Quân phòng thủ Pháp của Laveaucoupet đã bắn gục được loạt quân Brandenburg đầu tiên tiến công khu rừng. Sau đó, quân Pháp ra vài đòn phản công làm đối phương thất điên bát đảo. Nhiều đơn vị khác của Sư đoàn 5 và Sư đoàn 16 đã kéo vào rừng để tăng sức ép tấn công. Quân Đức dần dần cũng chiếm được rừng Giferts, nhưng do bìa nam của rừng không chỉ bị ngăn cách khỏi Spicheren bởi một khe hẻm lớn mà còn bị cày xé bởi hỏa lực súng trường và pháo binh Pháp từ trên các sườn dốc phía bên kia, họ nhưng không thể nào tiến ra ngoài rừng. Vào thời điểm 19h30, tất cả những gì mà rừng Giferts chứa đựng là mớ hỗn độn gồm 30 đại đội Đức thuộc các Tập đoàn quân số 1 và 2.[1][7][8]

Đại bác Phổ trong cuộc chiến 1870.

Trong khi giao chiến diễn ra ở rừng Giferts, các đơn vị thuộc Sư đoàn 16 dưới sự đốc thúc của tướng von Barnekow đã phối hợp với các thành phần Sư đoàn 5 ập lên đồi Đỏ để tiếp sức cho các tàn binh của François còn đang bám trụ trên đỉnh. Được sự hỗ trợ của pháo binh, các đội hình hàng dọc của Đức xung phong từ mọi hướng và dọn sạch quân sơn chiến Pháp khỏi các chiến hào. Thừa thắng, Alvensleben huy động một trung đoàn Khinh kỵ binh Brunswick leo qua một con hẻm trũng lên đỉnh đồi để khai thác thành quả, song pháo binh Pháp đã tập trung khai hỏa làm quân kỵ binh Đức bị rối bời và không thể di chuyển lên con hẻm này. Tình hình đó buộc Tư lệnh Pháo binh Quân đoàn III - Thiếu tướng Hans von Bülow thỉnh cầu thượng cấp cho ông đưa 12 khẩu đại bác của khẩu đội khinh pháo số 3 và khẩu đội trọng pháo số 3 lên trên đồi Đỏ. Được quân bộ binh giúp sức, đội ngũ pháo thủ Sư đoàn 5 dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá von Lyncker dù chịu nhiều hao tổn nhưng đã nhanh chóng kéo được 12 cỗ đại bác lên đỉnh. Từ đây, dàn đại bác Phổ-Đức tập trung bắn dập cao nguyên Spicheren, gây ra thương vong hàng loạt cho các đơn vị quân phòng ngự Pháp.[1][4][7] Cho đến tối, quân Pháp cố mở một số đợt phản công lẻ tẻ nhằm chiếm lại đồi Đỏ, nhưng bị đập tan.[8]

Trong thời điểm 17h, quân Đức đã hoàn toàn làm chủ cả đồi Đỏ và rừng Giferts, song tất cả những gì họ chiếm được chỉ là bề mặt của tuyến phòng ngự chính của Frossard, vốn nằm trên khu vực cao quanh Spicheren và Forbach phía trước họ. Để tiếp cận với trận tuyến chính của Pháp, bộ binh Đức cần phải vượt qua một con đèo bị pháo Pháp cày xới từ đồi Pfaffenberg nằm ngoài tầm bắn của pháo Đức. Không một tướng lĩnh Đức nào dám làm điều đó do họ biết rằng nó chỉ gây thêm hao tổn cho các lực lượng đã thấm mệt của mình.[7]

Khu vực Stiring-Wendel

Do vậy, mối bận tâm chính của tướng Frossard nằm ở cánh trái của ông, nơi Sư đoàn 14 Phổ đang tấn công mãnh liệt gây cho sư đoàn Vergé lao đao quanh các bãi hàng và công xưởng của Stiring-Wendel. Không chỉ phải đối mặt với Sư đoàn 14 ở phía trước, Vergé còn bị uy hiếp từ bên sườn bởi cuộc hành quân bởi cuộc tiến quân của Sư đoàn 13 Phổ từ Völklingen xuống thung lũng Rossel. Bấy giờ lữ đoàn trừ bị của Vergé đang được bài trí tại Forbach để phòng bị sườn, song Frossard do nhận thấy cần giải quyết gấp mối nguy cơ trước mắt nên đã điều lữ đoàn này đến Stiring. Ngoài ra vị tư lệnh Quân đoàn II cũng đánh điện yêu cầu sư đoàn Metman của Quân đoàn III đến giúp ông giữ Forbach. Đồng thời, sau khi nhận định rằng tình hình cánh trái đang nguy cấp, Bataille cũng chuyển một trung đoàn từ cánh phải sang Stiring để giúp Vergé đẩy lui hiểm họa trước mắt của mình. Được tăng cường lực lượng, quân Pháp trong thung lũng Stiring-Wendel ồ ạt phản công đánh tơi bời các đơn vị bộ binh của tướng Kameke vào khoảng 18h. Quân Đức phải viện đến 7 khẩu đội pháo mới ngăn chặn được bước phản công của quân Pháp và giành thế chủ động.[7][9]

Những diễn biến cuối cùng

Mặc dù Alvensleben chưa được thông tin về đòn phản công vào Sư đoàn 14 bên phải, ông nhận thức rằng các đơn vị Đức trong rừng Giferts và đồi Đỏ đã thấm mệt và không thể tiếp tục tiến công. Nếu như quân Pháp phản công thắng lợi, họ có lẽ sẽ đẩy ông vào thế dựa lưng vào sông Saar. Do đó, viên chỉ huy Quân đoàn III Phổ quyết định tung một đòn đánh cuối cùng để đập vỡ hàng phòng ngự của quân Pháp trên các cao điểm Spicheren, không phải bằng cách đổ thêm quân vào rừng Giferts và đồi Đỏ, mà bằng cách đánh thẳng lên đồi Forbach trải dài từ thung lũng Stiring để thọc sườn trái Laveaucoupet. Và ông đã dùng một lực lượng trừ bị mạnh gồm 7 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5 để tiến hành đợt tiến công này.[1][7][10]

Trung tướng Constantin von Alvensleben.

Dưới sự đôn đốc của tướng Alvensleben, những người lính Brandenburg thiện chiến hăm hở trèo lên đồi Forbach và đánh thốc vào cánh trái sư đoàn Laveaucoupet.[1] Quân cánh trái của Laveaucoupet chống cự vững vàng gây cho đối phương loạng choạng, nhưng đỉnh đồi cuối cùng đã thất thủ về tay quân Đức. Quân Pháp giáng một đòn phản kích lớn hất quân Đức ra khỏi vị trí, song các tiểu đoàn Brandenburg lại xông lên tấn công dũng mãnh và từng bước đoạt lại điểm cao. Cũng trong thời gian này, các đơn vị khác của Laveaucoupet phản công đến tận rừng Giferts, song không chiếm được con đèo yên ngựa dẫn lên đồi Đỏ. Sự xuất hiện của 7 tiểu đoàn Brandenburg bên sườn trái đã buộc quân Pháp phải từ bỏ phản công và lui về tuyến phòng ngự dưới sự yểm trợ của các khẩu đội pháo. Các đợt tấn công mạnh mẽ của bộ binh và pháo binh Đức cuối cùng đã đánh kiệt sức sư đoàn Laveaucoupet, người phải rút đoàn quân tàn tạ của mình chạy vào thị trấn Spicheren lúc khoảng 19h30.[7][9][11]

Bên cánh phải, các đơn vị của Zastrow khi gần đêm đã chỉnh đốn tình hình và giành lại thế chủ động. Pháo Pháp dội xối xả vào các đội hình tấn công của Đức cho đến khi bị câm tịt trước sự phản pháo của một khẩu đội Đức dưới sự chỉ huy của Trung tá Gotz. Được Goeben tiếp sức bằng mọi tiểu đoàn chưa tham chiến của Sư đoàn 16, quân Đức mở rộng tấn công chiếm được nhiều vị trí từ tay các sư đoàn Vergé và Bataille trong màn đêm.[9][11] Mặc dù quân của hai tướng Pháp cố sức chống trả, cục diện trận đánh trên thực tế đã được quyết định từ sau 19h, khi quân tiền vệ của sư đoàn Glümer xuất hiện ở các ngọn đồi trên Forbach. Frossard, do đã đổ hết lực lượng lên tiền tuyến, nên không còn quân phòng giữ thị trấn. Một sĩ quan Pháp nhanh trí đã thu nhặt một số lính dự bị để ngăn cản bước tiến của Glümer, song tình hình quân Pháp sớm trở nên vô vọng. Nhận thấy đối phương đang dần khép kín vòng vây (Kessel), Frossard quyết định từ bỏ Forbach – cơ sở tiếp tế chủ yếu cho mọi kế hoạch tấn công lãnh thổ Đức – vào lúc 19h30. Do cuộc tấn công của Glümer từ mạn bắc đã làm cho việc rút chạy về St. Avold theo hướng tây trở nên bất khả thi, viên tướng Pháp đành tiến hành rút toàn bộ lực lượng về Sarreguemines theo hướng nam. Vergé và Bataille nhận lệnh rút các đơn vị của mình khỏi những căn nhà đang bừng cháy trong khu vực Stiring-Wendel, một nhiệm vụ không dễ tí nào dưới sức tấn công dữ dội của quân Đức.[7]

Phải đến lúc Frossard tập kết các đơn vị của mình trên các sườn dốc phía sau Spicheren để tiến hành triệt thoái, quân tiếp viện Quân đoàn III mới xuất hiện. Theo sử gia Michael Howard, họ nhìn thấy đầy rẫy "những đội hình rút lui gồm những người cay đắng và kiệt sức".[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Spicheren http://www.67deligne.jimdo.com/ http://www.farmathur.de/index.php?QUERY_STRING=spi... http://www.saarland-lese.de/index.php?article_id=5... http://almg.free.fr/forbach/Bataille%20de%20Spiche... http://homepages.paradise.net.nz/mcnelly/vb/scenar... http://www.gutenberg.org/files/36209/36209-h/36209... http://books.google.com.vn/books?id=5z6NTY2YxR8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vEqqKo_IGPcC&p... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Battle...